Google liên tục cập nhật và đổi mới thuật toán. Đó là lý do tại sao bạn cần phải liên tục kiểm tra và tối ưu cho website của mình.
Trong bài viết dưới đây, Hoài Đoàn sẽ chia sẻ đến bạn các hạng mục bạn cần phải kiểm tra và tối ưu nếu muốn website đạt được thứ hạng tốt trên tìm kiếm.
Nào, hãy cùng đến với SEO Checklist 2023 ngay bây giờ!
SEO Checklist cơ bản
Cài đặt Google Search Console
Google Search Console là công cụ miễn phí do Google tạo nên và gần như không thể thiếu với các nhà quản trị web hiện nay.

Công cụ này có rất nhiều tính năng hữu ích:
- Kiểm tra các từ khóa đang xếp hạng
- Tìm lỗi cho trang web
- Submit sitemap
- Theo dõi lưu lượng truy cập vào website
- Và rất nhiều thứ khác nữa…
Cài đặt Google Analytics
Cũng giống như Google Search Console, Google Analytics là một công cụ miễn phí được Google cung cấp giúp bạn xem được website có bao nhiêu người truy cập, họ đến từ đâu, sử dụng thiết bị nào, cách họ tương tác với trang web…

Cài đặt Plugin SEO
Nếu website của bạn chạy trên WordPress, bạn cần phải cài đặt một plugin SEO để giúp bạn tối ưu những thứ như Sitemap và Onpage. Yoast SEO, Rank Math là hai plugin hàng đầu hiện nay mà bạn nên sử dụng.
Nếu trang web của bạn sử dụng một nền tảng khác như Shopify, bạn có thể không cần điều này.

Tạo và gửi Sitemap
Sitemap được xem như hệ thống bản đồ của một trang web, giúp cho các công cụ tìm kiếm dễ dàng truy cập, thu thập dữ liệu và index cho các bài viết.
Thông thường, bạn có thể tìm thấy sitemap của một website tại một trong các URL sau:
- /sitemap.xml
- /sitemap_index.xml
- /sitemap
Tạo file Robots.txt
Robots.txt là một tệp văn bản thuần túy nhằm giúp công cụ tìm kiếm biết nên và không truy cập và thu thập dữ liệu ở trang nào.
Ví dụ như bạn có một website thương mại điện tử, bạn không muốn công cụ tìm kiếm thu thập thông tin ở trang giỏ hàng thì robots.txt sẽ giúp bạn làm điều này.
Để kiểm tra trang web đã có file robots.txt hay chưa, bạn sử dụng URL website.com/robots.txt.
Technical SEO Checklist
Technical SEO là một công việc cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến thứ hạng của một trang web. Vì vậy, bạn nên thực hiện nó trước tiên trong bất kỳ chiến dịch SEO nào.
Dưới đây là những yếu tố quan trọng nhất của Technical SEO mà bạn cần phải kiểm tra.

Thiết lập cấu trúc cho website (nếu là trang web mới)
Cấu trúc trang web hợp lý sẽ giúp cho người dùng và công cụ tìm kiếm dễ dàng điều hướng. Cách tốt nhất là thiết kế trang web theo mô hình kim tự tháp tức là trang chủ sẽ ở trên đỉnh, tiếp theo là danh mục cấp 2 và các bài đăng sẽ là cấp 3.
Đảm bảo trang web có thể thu thập thông tin
Nếu công cụ tìm kiếm không thể thu thập thông tin, trang web của bạn cũng sẽ không được lập chỉ mục. Do đó, bạn cần phải đảm bảo website có thể thu thập thông một cách dễ dàng.
Cách kiểm tra là vào Google Search Console -> Coverage, hãy chú ý đến mọi cảnh báo nào nếu nó không liên quan đến robots.txt
Đảm bảo trang web có thể index
Để trang web của bạn xuất hiện trên SERPs, nó cần phải được index. Dù cho các trình tìm kiếm có thể thu thập thông tin trên một trang thì cũng không có nghĩa là trang đó sẽ được index.
Nếu một trang có thẻ meta robots “noindex” hoặc x‑robots-tag, nó sẽ không được index. Bạn cũng có thể kiểm tra các URL không được lập chỉ mục tại báo cáo Coverage của Google Search Console.

Website của bạn đang sử dụng HTTPS
HTTPS đã chính thức trở thành một yếu tố xếp hạng chính thức của Google vào 2014. Tuy không có vai trò quá lớn nhưng nó vẫn có những ảnh hướng nhất định đến thứ hạng của website.
Truy cập vào trang web của bạn và quan sát trên thanh tìm kiếm của trình duyệt, nếu có hình ổ khóa tức là đã sử dụng HTTPS. Còn nếu không, chắc bạn biết phải làm gì rồi đấy!
Trang web của bạn có thể truy cập tại một miền
Đầu tiên, hãy dán 4 mẫu URL sau đây vào httpstatus.io:
- http://yourdomain.com
- http://www.yourdomain.com
- https://yourdomain.com
- https://www.yourdomain.com

Nếu mọi thứ tốt, bạn trong số chúng nên chuyển hướng phiên bản còn lại. Còn không, bạn nên thực hiện redirect 301.
Điều này rất cần thiết nếu trang web của bạn đã sử dụng giao thức HTTPS và phiên bản URL truy cập chính thức nên có HTTPS, tức là https://yourdomain.com hoặc https://www.yourdomain.com
Tốc độ tải trang
Khi mà Google ngày càng đề cao trải nghiệm của người dùng, tốc độ tải trang là một yếu tố cực kỳ quan trọng mà mọi trang web cần lưu ý.
Người dùng rất hiếm khi kiên nhẫn khi nhấp vào một trang web rồi đợi nó tải lâu. Thay vào đó họ sẽ thoát ra và tìm kiếm những trang web khác.
Google PageSpeed Insights là một công cụ tuyệt vời kiểm tra tốc độ tải trang web của bạn.

Mức độ thân thiện với thiết bị di động
Xu hướng hiện nay là tìm kiếm trên thiết bị di động, do vậy bạn cần phải đảm bảo trang web của mình hoạt động tốt trên các thiết bị như máy tính bảng, iPad, smartphone.
Nếu website của bạn không mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng trên các thiết bị di động, thứ hạng của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Bạn có thể kiểm tra bằng cách sử dụng công cụ Mobile-Friendly Test.
Tối ưu dung lượng hình ảnh
Hình ảnh luôn chiếm phần lớn dung lượng trên bất kỳ website nào. Vì vậy, nếu chúng có dung lượng quá lớn sẽ làm giảm tốc độ tải trang.
Các hình ảnh khi được upload lên website không nên vượt quá 200KB. Bạn có thể sử dụng các plugin nén ảnh hoặc sử dụng nền tảng nén ảnh trực tuyến như TinyPNG.
Sửa các trang bị hỏng
Các liên kết hỏng sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng và gây nên những ảnh hưởng xấu cho hiệu suất SEO của bạn. Bạn có thể kiểm tra bằng cách sử dụng các công cụ như Screaming Frog hay Ahrefs…
Xử lý duplicate content
Duplicate content là một vấn đề xuất hiện ở rất nhiều trang web. Mặc dù Google đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không có hình phạt đối với các trang web duplicate content nhưng rõ ràng, chúng ta điều biết nó sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách thu thập thông tin cũng như thứ hạng của website.

Để kiểm tra duplicate content, bạn có thể sử dụng Screaming Frog .
Keywords Research Checklist
Nghiên cứu từ khóa là một công việc quan trọng. Nó giống như một chiếc la bàn giúp bạn xác định phương hướng, biết được những gì mà người dùng đang mong muốn. Từ đó, xuất bản những nội dung hữu ích và chất lượng cho trang web.
Xác định từ khóa mục tiêu
Mỗi trang trên một trang web nên nhắm đến một từ khóa mục tiêu chính và đồng thời, bạn cũng không nên tạo ra nhiều nội dung chỉ để nhắm đến một từ khóa. Điều này sẽ tạo nên sự mâu thuẫn và khiến bạn không có được thứ hạng tốt.
Lời khuyên dành cho bạn là hãy luôn nhắm đến từ khóa mục tiêu tốt nhất mỗi khi xuất bản một trang mới.
Các công cụ nghiên cứu từ khóa phổ biến hiện nay là Ahrefs, Keyword Tool, KwFinder, Google Trend, Google Keyword Planner…

Đánh giá mục đích tìm kiếm
Mục đích tìm kiếm là điều mà người dùng mong muốn được tìm thấy sau mỗi truy vấn. Nếu trang của bạn không phù hợp với mục đích tìm kiếm, bạn cũng sẽ không có được thứ hạng cao.
Cách tốt nhất để biết được mục đích tìm kiếm là gõ từ khóa đó vào ô tìm kiếm của Google. Các kết quả ở trang một chính là những nội dung đang đúng với mong muốn của người dùng.
Đánh giá cơ hội xếp hạng của từ khóa
Biết được cơ hội xếp hạng của từ khóa sẽ giúp bạn có được một chiến lược biên tập nội dung hiệu quả cho trang web.
Đầu tiên, bạn cần quan tâm đến chỉ số keyword difficulty của các từ khóa. Sau đó, cần biết các trang đang đứng top. Nếu đó là các thương hiệu lớn và có thẩm quyền cao, bạn sẽ rất khó để chen chân vào đó.
Đặc biệt, nếu là một trang web mới, sử dụng Long Tail Keyword và Keyword Golden Ratio là các chiến lược rất phù hợp.
Content checklist
Chọn đúng từ khóa quan trọng, nhưng mọi thứ sẽ vô ích nếu nội dung của bạn không đủ chất lượng để xếp hạng.
Nội dung phải chất lượng và hữu ích
Sau khi đã xác định được từ khóa và dạng nội dung sẽ biên tập, bạn cần lên một outline cụ thể cho bài viết. Tham khảo các trang web đang đứng TOP đầu, tổng hợp lại gì mà họ có rồi sau đó tổng hợp thành một bài viết đầy đủ và chi tiết nhất.
Hãy luôn đảm bảo rằng các nội dung bạn xuất bản phải chất lượng và mang lại nhiều giá trị cho người đọc. Bạn có thể tham khảo chi tiết hơn qua bài viết hướng dẫn viết bài chuẩn SEO của tôi.

Sử dụng đa phương tiện
Nội dung của bạn sẽ trở nên khô khan và kém hấp dẫn nếu không có sự góp mặt của các hình ảnh minh họa.
Hình ảnh, video… sẽ giúp bạn chia nhỏ văn bản và làm cho nội dung trở nên thu hút hơn. Nhưng cũng cần lưu ý rằng đừng chỉ thêm hình ảnh nhằm chia nhỏ bài viết mà các hình ảnh phải sinh động, liên quan đến chủ đề và giúp người đọc dễ hiểu hơn.
Chia nhỏ văn bản cho dễ đọc
Với tâm lý của người truy cập, có lẽ không ai thấy thích thú với một khối văn bản khổng lồ ập vào mắt mình.
Lời khuyên dành cho bạn là không nên để các đoạn văn dài quá 5 dòng. Cách tốt nhất là nên xuống hàng một lần sau 2 câu.
Thêm mục lục cho các bài viết
Hầu hết người dùng đều thích một trang web có mục lục, chúng giúp họ dễ dàng điều hướng và biết được nội dung này đang nói về những thứ gì. Đặc biệt, điều này càng cần thiết với những bài viết dài.
SEO Onpage Checklist
SEO Onpage sẽ bao gồm các kỹ thuật tối ưu những yếu tố hiển thị trên trang của bạn. Chúng giúp cho công cụ tìm kiếm hiểu được nội dung bạn đang muốn nói để xếp hạng cho các truy vấn có liên quan.

Sử dụng URL ngắn gọn
Backlinko đã thực hiện phân tích trên 11,8 triệu kết quả tìm kiếm của Google và họ nhận ra rằng các trang web có URL ngắn sẽ có xu hướng được xếp hạng cao hơn. Đó là lý do tại sao bạn nên giữ cho các URL ngắn gọn.
Từ khóa trong URL
URL giúp công cụ tìm kiếm và người dùng hiểu nội dung hơn. Cách tốt nhất để làm điều này là đặt từ khóa chính vào trong slug của các URL.
Từ khóa nên xuất hiện đầu tiên trong tiêu đề
Không có gì bí mật, tiêu đề SEO cần chứa từ khóa. Tuy nhiên, nếu từ khóa xuất hiện ở đầu tiên trong tiêu đề sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Ví dụ bạn có một bài viết về SEO Offpage, sẽ tốt hơn nếu bạn để nó xuất hiện đầu tiên trong tiêu đề như” SEO Offpage là gì? Hướng dẫn chi tiết A-Z” chẳng hạn.
Từ khóa xuất hiện trong 150 từ đầu tiên ở bài viết
Google dành sự quan tâm lớn cho 150 từ đầu tiên trong bài viết của bạn. Vì vậy, hãy luôn đảm bảo rằng từ khóa mục tiêu sẽ được tìm thấy trong đó.
Tận dụng sức mạnh của các thẻ Heading
Các thẻ tiêu đề như H1, H2 giúp cho các công cụ tìm kiếm và cả người dùng dễ dàng xác định được chủ đề mà bài viết đang muốn nói. Vì vậy, hãy tối ưu chúng để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Thẻ H1 chính là tiêu đề trang và là thứ mà người dùng nhìn thấy đầu tiên khi truy cập vào trang web của bạn.
Mỗi bài viết cần có tối thiểu hai H2, chúng cần chứa các từ khóa phụ và làm rõ cho H1. Các thẻ H3 sẽ có nhiệm vụ làm rõ cho H2…
Tối ưu hóa hình
Google không thể đọc được hình ảnh như những gì mà con người nhìn thấy. Vì vậy, bạn cần phải tối ưu chúng để các công cụ tìm kiếm có thể hiểu được.
- Đặt tên hình ảnh có chứa từ khóa và viết không dấu. Ví dụ: seo-checklist.jpg
- Luôn thêm thuộc tính alt text cho các hình ảnh
Kiểm tra mật độ từ khóa, từ khóa đồng nghĩa và LSI
Từ khóa mục tiêu cần xuất hiện và trải dài xuyên suốt trong bài viết. Nếu quá ít, Google sẽ khó xác định chủ đề nội dung nhưng nếu quá nhiều, bạn có thể sẽ bị phạt. Đẹp nhất là mật độ từ khóa nên dao động từ 1-1,5%.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên thêm các từ khóa đồng nghĩa và từ khóa liên quan cho bài viết.
Liên kết đến các nguồn có thẩm quyền
Liên kết đến các trang web có thẩm quyền sẽ giúp cho nội dung của bạn càng trở nên uy tín và đồng thời cũng mang các giá trị cho người dùng. Giống như những gì mà John Mueller của Google đã phát biểu:
“Liên kết với các trang web khác là một cách tuyệt vời để cung cấp giá trị cho người dùng của bạn. Thông thường, các liên kết giúp người dùng tìm hiểu thêm, xem các nguồn của bạn và hiểu rõ hơn nội dung của bạn có liên quan như thế nào với các câu hỏi mà họ có.”
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa rằng bạn buộc phải liên bên trong và ngoài website. Hãy thực hiện chỉ khi nó cần thiết và hữu ích cho người dùng.
Thêm Schema Markup
Schema markup làm cho website của bạn trở nên nổi bật trong SERPs, giúp tăng tỷ lệ nhấp và mang lại nhiều lượng truy cập hơn. Hãy quan sát ví dụ bên dưới:
Ngoài ra, schema cũng giúp công cụ tìm kiếm hiểu rõ nội dung hơn.
Tối ưu internal link
Nguyên tắc là bất cứ khi nào xuất bản một nội mới, hãy đảm bảo nó được liên kết 2-5 các trang khác trên website của bạn.
Bạn cũng nên sử dụng anchor text giàu từ khóa trên các internal link để giúp công cụ tìm kiếm và người dùng dễ dàng điều hướng.
Link Building Checklist
Google đã xác nhận rằng backlink chính là một trong ba yếu tố xếp hạng quan trọng nhất. Chính vì vậy, để có một chiến dịch SEO thành công, bạn cần có kế hoạch link building chi tiết và hiệu quả.
Backlink có đủ chất lượng không?
Điều đầu tiên bạn cần quan tâm trong hồ sơ backlinks chính là các liên kết có đủ chất lượng hay không. Nếu các backlinks chất lượng kém chỉ chiếm một phần tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ thì đó không phải là vấn đề.
Để đánh giá chất lượng của một backlinks cần phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như: nguồn backlinks đến từ đâu, chất lượng nội dung của bài viết chứa liên kết…
Một điều cũng cần lưu ý là bạn không nên xóa backlink một cách ồ ạt. Hãy lưu ý rằng việc loại bỏ các liên kết ngược (ngay cả những liên kết kém chất lượng) sẽ làm giảm uy tín trang web của bạn.
Thay vào đó hãy thực hiện một một cách từ từ, có kế hoạch bổ sung liên kết mới trong quá trình xóa bỏ.

Kiểm tra hồ sơ backlink của đối thủ
Kiểm tra các đối thủ đang có những trang nào trỏ về mà bạn không có. Sau đó tìm cách bổ sung các liên kết đó cho website của bạn. Ahrefs là công cụ mà tôi thường sử dụng để thực hiện công việc này!
Khôi phục các liên kết bị mất
Các backlink sẽ không tồn tại mãi mãi, điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như website trỏ link ngừng hoạt động, chủ website đã xóa liên kết hoặc nó cũng có thể đến từ phía trang web của bạn…
Nhưng dù với bất kỳ lý do gì, nếu đó là các liên kết chất lượng hãy tìm cách khôi phục nó nếu có thể.
Tìm kiếm backlink mới thường xuyên
Đây là 2 lý do mà bạn cần phải quan tâm đến điều này:
- Thứ nhất, như tôi đã đề cập ở trên, các backlink không thể tồn tại vĩnh viễn mà chúng có thể mất bất cứ lúc nào. Đó là điều không thể tránh khỏi.
- Thứ hai, nếu trang web của bạn không nhận thêm backlink mới trong thời gian dài, Google sẽ đánh giá rằng nội dung của bạn không còn phổ biến hoặc không đủ chất lượng như trước nữa.
Có nhiều cách để bạn có thể tìm kiếm thêm các backlink mới cho trang web của mình. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết qua bài viết về backlink của tôi.
Vừa rồi là toàn bộ các hạng mục mà bạn cần phải kiểm tra và tối ưu cho website của mình. Chúc các bạn thành công!
Nguồn tham khảo:
https://ahrefs.com/blog/seo-checklist/
https://backlinko.com/seo-checklist

SEO Mentor & Founder SEO Agency 3HDIGI
Phụ trách hoạt động SEO của các doanh nghiệp lớn ở cả 2 phía Client & Agency.
Kinh nghiệm đào tạo SEO tại TTTH – Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TPHCM từ 2018