Có thể bạn đã biết rằng Google sử dụng hơn 200 yếu tố xếp hạng khác nhau trong thuật toán của họ. Một con số không hề nhỏ và có quá nhiều thứ cần phải tối ưu.
Tuy nhiên, một điều may mắn là bạn không cần phải hiểu biết tường tận toàn bộ về chúng để thành công trong SEO. Thay vào đó, hãy chú trọng vào một tập hợp nhỏ hơn, gồm những yếu tố xếp hạng có tác động lớn nhất.
Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu đến bạn 13 yếu tố xếp hạng quan trọng nhất của công cụ tìm kiếm trong 2021.
Chất lượng nội dung
Vẫn là một câu nói rất quen thuộc “Content is King”. Nội dung bao giờ cũng là thành phần cốt lõi của một trang web và đồng thời cũng là một trong những yếu tố xếp hạng quan trọng nhất của một website.
Bạn có thể tối ưu SEO cho trang web của mình một cách hoàn hảo. Nhưng nếu nội dung của bạn không đủ tốt, tôi chắc chắn là bạn sẽ không bao giờ có thứ hạng cao được. Tôi cũng đã có một chia sẻ chi tiết về “bài viết chuẩn SEO” mà bạn có thể tham khảo qua.
Vậy thì một nội dung như thế nào sẽ được coi là chất lượng? Nó được xem xét dựa trên 3 tiêu chí chính:
– Đầy đủ: Google muốn nội dung phải là một câu trả lời đầy đủ về một vấn đề nào đó. Đó là lý do bạn thấy tại sao những nội dung dài lại dễ xếp hạng hơn nội dung ngắn. Vì vậy, hãy đảm bảo nội dung của bạn thật đầy đủ và hoàn thiện nhất có thể.
– Hữu ích: Nội dung có mang lại các giá trị hữu ích và có đáp ứng những gì người dùng mong muốn về nhu cầu tìm kiếm thông tin không?
– Thân thiện với SEO và có cấu trúc: Tại sao cần điều này? Thứ nhất, nội dung có cấu trúc giúp người dùng dễ dàng tìm thấy câu trả lời nhanh hơn. Thứ hai, Google sẽ dễ dàng hiểu được chủ đề mà bạn đang muốn đề cập đến.
Tính độc đáo của nội dung
Mặc dù bạn đã sở hữu một nội dung chất lượng khi đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí đầy đủ, hữu ích và có cấu trúc. Nhưng nếu nó đã tìm thấy ở nơi khác trước đó, có lẽ nó cũng sẽ không được xếp hạng tốt.
Điều này đặt ra một vấn đề rằng nội dung của bạn không chỉ tốt mà cần phải khác so với những gì đang xuất hiện trên trang 1.
Khi làm được điều này, hiển nhiên trang của bạn sẽ luôn có cơ hội có được thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm.
Trang hoàn toàn có thể thu thập thông tin
Nếu bạn muốn xếp hạng, điều đầu tiên cần đảm bảo là các công cụ tìm kiếm có thê thu thập thông tin đầy đủ và lập chỉ mục nội dung trên trang của bạn.
Hay nói cách khác, khi các công cụ tìm kiếm bị chặn truy cập trang (từ robots.txt chẳng hạn), chúng sẽ không lập chỉ mục trang. Điều này đồng nghĩa với việc trang của bạn không thể xuất hiện trên các kết quả tìm kiếm.
Và nếu Search Engine không thể truy cập vào càng nhiều trang, khả năng hiển thị của website trên các công cụ tìm kiếm sẽ càng giảm.
Bạn có thể dễ dàng kiểm tra vấn đề này thông qua tính năng “Kiểm tra URL” trong Google Search Console:
Trang web đã tối ưu hóa trên cho thiết bị di động
Chúng ta đều biết rằng tìm kiếm trên các thiết bị di động đang là xu hướng của người dùng hiện nay. Và Google cũng cho biết rằng: “Các trang cung cấp trải nghiệm kém cho người dùng trên các thiết bị di động có thể bị giảm thứ hạng.”
Nói cách khác, để có được thứ hạng cao, trang web của bạn cần phải hoạt động tốt trên mọi thiết bị (máy tính để bàn, máy tính bảng, điện thoại và cả TV nữa).
Để giúp các nhà quản trị web có thể kiểm tra về tiêu chí xếp hạng này, Google đã tạo ra một công cụ miễn phí “Kiểm tra tính thân thiện với thiết bị di động.”
Chỉ cần nhập địa chỉ vào đây, nó sẽ cho bạn biết trang web của mình có đang được tối ưu tốt không. Đồng thời là các lời khuyên để khắc phục nữa.
Hệ thống backlink
Nếu ví “Content is King” thì “Backlink is Queen” cũng là điều đã quá đỗi quen thuộc với cộng đồng SEO. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai sau này nữa, backlink chắc chắn vẫn luôn là một yếu tố xếp hạng quan trọng bậc nhất của các công cụ tìm kiếm.
Bạn có thể hiểu rằng, backlink chính là một phiếu bầu từ trang web khác. Các công cụ tìm kiếm như Bing và Google đo lường các phiếu bầu này và dựa vào đó để xem trang web nào xứng đáng có mặt ở những vị trí đầu tiên.
Điểm mấu chốt ở đây là các trang có nhiều liên kết ngược luôn có xu hướng được xếp hạng cao hơn. Nhưng cũng đừng quên, đó phải là các liên kết chất lượng, được xây dựng một cách tự nhiên nữa nhé!
Điểm Domain Authority
Domain Authority hay DA là yếu tố xếp hạng website tính theo thang điểm từ 1 đến 100 được phát triển bởi Moz. Mục đích chính của nó là dự đoán khả năng xếp hạng của một trang web trên các kết quả quả tìm kiếm.
Khi một liên kết trỏ trực tiếp đến một trang sẽ giúp trang đó được xếp hạng tốt hơn. Đồng thời, liên kết này cũng giúp tăng Domain Authority của một trang web.
Khi Domain Authority tổng thể càng cao, tất cả các nội dung trên trang web của bạn cũng sẽ được xếp hạng tốt hơn. Có rất nhiều cách để tăng DA nhưng tựu chung lại vẫn là tạo ra một trang web thật sự tuyệt vời và có giá trị.
Anchor Text
Google sử dụng anchor text để tìm hiểu nội dung của trang.
Ví dụ: ai đó gần đây đã liên kết đến bài viết này của tôi thông qua anchor text “yếu tố xếp hạng”.
Và các anchor text này cho Google biết rằng: “những trang khác đang liên kết đến trang này bằng văn bản liên kết “yếu tố xếp hạng”. Vậy chủ đề mà trang này đang muốn đề cập đến là “yếu tố xếp hạng”.
Tốc độ tải trang
Tốc độ tải trang là một yếu tố xếp hạng cực kỳ quan trọng hiện nay, đặc biệt khi mà Core Web Vitals đã chính thức đi vào hoạt động.
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này qua bài viết của Google: Dùng yếu tố tốc độ trang để xếp hạng kết quả tìm kiếm trên thiết bị di động
Sử dụng từ khóa
Rất đơn giản! Nếu bạn muốn xếp hạng cho một từ khóa, bạn cần phải sử dụng từ khóa đó trên trang của mình. Nếu không, Google sẽ không biết rằng trang của bạn đang muốn đề cập đến vấn đề gì.
Ví dụ: bạn có thể thấy tôi có một bài viết nói về traffic và từ khóa “traffic” đã xuất hiện đầu tiên trong tiêu đề bài viết.
Bên cạnh đó, từ khóa này cũng xuất hiện trải dài trong xuyên suốt bài viết này.
Tuy nhiên, tôi cũng thật sự khuyên bạn không nên nhồi nhét từ khóa quá đà. Thường thì mật độ từ khóa xuất hiện chỉ nên dao động từ 0,7-2% là đẹp. Nếu vượt qua con số này, nó sẽ gây phản tác dụng đấy!
Một điều khác mà mà bạn cũng cần phải lưu ý: không cần phải từ khóa chính xác mọi lúc, hãy sử dụng thêm các từ khóa biến thế của từ khóa chính vào nội dung.
Google RankBrain
RankBrain là một phần AI trong thuật toàn của Google và họ cũng đã xác nhận RankBrain nằm trong “TOP 3” yếu tố xếp hạng quan trọng nhất của họ.
Nhiệm vụ chính của RankBrain là tìm ra những gì người dùng mong muốn khi thực hiện truy vấn tìm kiếm và trả lại cho họ kết quả tốt nhất, phù hợp nhất với truy vấn đó.
Vậy nên, cách tốt nhất để tối ưu hóa cho RankBrain không gì khác ngoài việc tạo ra những nội dung chất lượng, mang lại sự hài lòng cho người dùng.
Phù hợp với mục đích tìm kiếm của người dùng
Giả sử bạn vừa thực hiện tìm kiếm về “link building”, lúc này Google sẽ bám sát vào cách bạn tương tác với kết quả tìm kiếm.
Ví dụ bạn nhấp vào kết quả đầu tiên và chỉ sau một vài giây bạn quay trở ra trang kết quả tìm kiếm. Điều này cho thấy rằng kết quả đó không làm bạn hài lòng hoặc không đáp ứng được nhu cầu của bạn. Hành động này gọi là “Pogosticking”.
Nhưng ngược lại, nếu bạn ở lại trên trang đó lâu, theo dõi hết bài viết và thậm chí là còn xem thêm các nội dung khác trên trang thì đây là một dấu hiệu tốt và Google sẽ đưa kết quả này lên đầu.
Nói tóm lại thì khi nội dung của bạn phù hợp với mục đích tìm kiếm của người dùng tại một thời điểm cụ thể nào đó, chắc chắn bạn sẽ được gia tăng thứ hạng.
Sở dĩ xảy ra điều này là vì Google ngày nay đang cố gắng giảm bớt sự tác động từ các yếu tố xếp hạng truyền thống (như từ khóa và liên kết) để có lợi cho các yếu tố xếp hạng trả lời câu hỏi” “Nội dung này có cung cấp cho người dùng những gì mà họ đang tìm kiếm không?”
Và trên thực tế, Google sử dụng hàng nghìn “Đánh giá chất lượng” để đo lường mức độ đáp ứng của kết quả đối với mục đích tìm kiếm.
Tính tươi mới của nội dung
Những nội dung lỗi thời sẽ khó lòng có được thứ hạng cao trên Google. Đó là lý do tại sao mà chúng ta thấy rằng nội dung những nội dung mới luôn có xu hướng được xếp hạng cao hơn.
Sở dĩ Google làm điều này là vì họ muốn thấy rằng nội dung của bạn vẫn có liên quan và được cập nhật.
Ví dụ: bài viết bạn đang có một bài viết “Top 10 mẫu giày hot nhất 2021”
Nhưng khi sang năm 2022, bạn cần phải cập nhật bài viết này lên thành “Top 10 mẫu giày hot nhất 2022”. Tất nhiên, ở đây, bạn không chỉ thay đổi tiêu đề mà còn cả nội dung cho phù hợp với thời điểm đó.
Google sẽ đo lường độ “tươi mới” bằng việc kiểm tra xem nội dung này đã được cập nhật hay chưa, xuất bản từ khi nào và tần suất cập nhật ra sao. Bên cạnh đó, họ cũng sử dụng tín hiệu trải nghiệm của người dùng để xem mọi người có tương tác tốt với nội dung của bạn không.
E-A-T
E-A-T là viết tắt của 3 từ Expertise (chuyên môn), Authoritativeness (thẩm quyền) và Trustworthiness (độ tin cậy). Nói một cách đơn giản thì E-A-T là thuật ngữ nói về sự uy tín, thầm quyền và đáng tin cậy của một website.
Google muốn quảng bá cho các nội dung chất lượng và thực sự đáng tin cậy về chủ đề đó. Dưới đây là 3 yếu tố bạn cần quan tâm nếu muốn tăng E-A-T cho trang web:
- Xác định tác giả: nếu có thể hãy thuê hoặc làm việc với một chuyên gia trong lĩnh vực của bạn.
- Minh bạch: đảm bảo rằng người dùng có thể liên hệ với bạn (qua email hoặc các biểu mẫu liên hệ).
- Danh tiếng: Google theo dõi những gì mà mọi người trực tuyến đang nói về bạn.
Trên đây là 13 yếu tố xếp hạng quan trọng mà tôi muốn giới thiệu đến các bạn. Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích.
Cảm ơn đã quan tâm và theo dõi bài viết này!
Nguồn tham khảo: https://backlinko.com/hub/seo/ranking-factors
SEO Mentor & Founder SEO Agency 3HDIGI
Phụ trách hoạt động SEO của các doanh nghiệp lớn ở cả 2 phía Client & Agency.
Kinh nghiệm đào tạo SEO tại TTTH – Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TPHCM từ 2018